Nhạc sĩ nói về những người hoạt động nghệ thuật độc lập (indie) dịp tổ chức Monsoon Music Festival. Chương trình bắt đầu từ ngày 14 đến 22/10 ở Hà Nội,ốcTrungCasĩindieViệtcònnhiềuthiếusóhàn quốc – ghana trong đó hai sự kiện chính diễn ra tối 21 và 22/10 ở Hoàng thành Thăng Long.
- Vì sao anh mời nhiều nghệ sĩ indie chưa có tên tuổi như Quyếch, Minh Tốc & Lam, Những đứa trẻ, tham gia Monsoon Music Festival?
- Trước hết, chúng ta cần hiểu indie không phải một phong cách nhạc mà để chỉ những người làm nghệ thuật độc lập, không phụ thuộc các hãng băng đĩa, nhà quản lý. Họ tự do sáng tạo, không theo khuôn khổ. Các nghệ sĩ indie tạo ra nhiều sản phẩm có cá tính, tư duy ngôn ngữ, âm nhạc trực diện. Trong nước, những người này làm cho đời sống âm nhạc phong phú hơn, giúp khán giả có thêm lựa chọn, bên cạnh những dòng nhạc đã cũ như tiền chiến, trữ tình, bolero. Dù tên tuổi đa số không phổ biến, thậm chí chỉ hoạt động một thời gian đều để lại ảnh hưởng tích cực.
Ngược lại, một số khác sau khi nổi tiếng, ký hợp đồng với công ty lớn, không còn là nghệ sĩ indie. Chẳng hạn, Đen Vâu, Ngọt hay trường hợp của ban nhạc huyền thoại Coldplay là như vậy.
Tôi không căn cứ vào độ nổi tiếng để lựa chọn. Tiêu chí của tôi là những nghệ sĩ mới, có tiếng nói riêng, sản phẩm chỉnh chu.
- Anh nghĩ cái khó của nghệ sĩ indie trong nước hiện nay là gì?
- Ở các nước phát triển, họ tạo không gian cho âm nhạc thể nghiệm, các nghệ sĩ trẻ. Tôi từng đi một lễ hội âm nhạc ở Anh, kéo dài bốn ngày, giới thiệu 500 ban nhạc, đa phần là "lính mới". Nhiều người từ khắp châu Âu đổ về, họ tự lái xe, di chuyển, trang trải chi phí. Bù lại, họ có cơ hội tiếp cận các nhà sản xuất, giới thiệu sản phẩm, ký hợp đồng cho những lần sau.
Ở Việt Nam, các bạn rất thiệt thòi, bởi không có cơ hội biểu diễn, gặp gỡ khán giả. Người nghe đa số cũng thích nghệ sĩ đã nổi tiếng, quen mặt, các bài hát phổ biến. Vì thế, nhà sản xuất thường lựa chọn những phương án an toàn. Minh Tốc & Lam từng tâm sự chỉ mong được đi hát lót trong các chương trình nhỏ.
- Theo anh, nghệ sĩ indie Việt có ưu điểm và nhược điểm gì?
- Họ có sức trẻ, sự sáng tạo. Tuy nhiên, đa số thiếu nhiều kỹ năng như giao tiếp, giới thiệu bản thân, tìm kiếm cơ hội. Nhiều người không biết phải tiếp cận nhà sản xuất nào, trả lời email thế nào, xây dựng hồ sơ ra sao. Khi ban tổ chức lựa chọn nghệ sĩ, họ sẽ nhận định qua bộ hồ sơ chi tiết về set diễn của nghệ sĩ. Nếu phần profile không được làm nghiêm túc, nhà sản xuất sẽ bỏ qua, ấn tượng xấu trong cả những lần sau. Đa số nghệ sĩ indie đều trẻ, hồn nhiên, không được ai tư vấn.
Chẳng hạn, tôi rất thích ban nhạc Quyếch, tự liên hệ, mời các bạn diễn ở Monsoon. Có lúc, tôi gọi nhóm đến nhà, phân tích việc các bạn cần làm gì để phát triển. Trong lúc trò chuyện thân tình, tôi thậm chí phải mắng vì "chú mà không gọi trước thì không bao giờ liên hệ với chú".
- Anh nghĩ sao nếu nói nhạc indie chỉ dành cho người trẻ?
- Khán giả trẻ là những người đầu tiên tìm đến indie, bởi họ đã chán những cái cũ của chúng ta. Tuy nhiên, nhu cầu tìm kiếm những điều mới mẻ có ở mọi lứa tuổi. Những người thích các nghệ sĩ xuất thân indie như Đen Vâu hay Ngọt, thuộc nhiều lứa tuổi.
- Làm chương trình dài hơi với các nghệ sĩ indie như Monsoon, anh đặt ra bài toán kinh tế thế nào?
- Trước show, tôi tính toán lỗ khoảng ba tỷ đồng. Những năm chương trình "cháy" vé, khoản này cũng chỉ đáp ứng 25% chi phí sản xuất. Là nhà tổ chức, ai cũng muốn show mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, tôi muốn xây dựng cộng đồng nghe nhạc mới, bền vững, nên hỗ trợ tối đa cho các nghệ sĩ trẻ. Vì muốn khán giả dễ dàng mua được vé, tôi để mức rất thấp. Với 800.000 đồng, bạn có thể vào tất cả sự kiện. Nếu mua vé early bird, giá combo này chỉ có 500.000 đồng.
Năm nay, tôi đưa vào chương trình nhiều điểm mới. Ngoài sự kiện chính diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long, một số buổi diễn quy mô nhỏ được tổ chức ở khu vực xung quanh phố cổ Hà Nội, có thêm lựa chọn cho khán giả. Tôi mong muốn tạo không khí lễ hội ở thủ đô. Tôi học tập mô hình này ở Đan Mạch, khi tham gia lễ hội âm nhạc tại Copenhagen. Dân số của họ rất thấp, khoảng 5,8 triệu người, nhưng lượng khán giả đến xem lại cực đông.
Quốc Trung 56 tuổi, là con trai Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên và nghệ sĩ Thanh Nga. Nhạc sĩ tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tu nghiệp tại châu Âu. Năm 1991, anh trở về Việt Nam, thành lập ban nhạc Phương Đông. Anh là người giúp Thanh Lam xây dựng hình ảnh diva qua Mây trắng bay về,một trong những album chất liệu world music xuất sắc của nhạc nhẹ đương đại. Quốc Trung cũng từng hợp tác nhiều tên tuổi như Hồng Nhung, Hà Trần, Tùng Dương, Uyên Linh, Hà Linh. Ngoài ra, anh là giám đốc âm nhạc, đạo diễn nhiều chương trình như Rock Storm, Vietnam Idol, Bài hát Việt.
Monsoon Music Festival hay Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa được Quốc Trung tổ chức lần đầu năm 2014, thu hút hàng nghìn khán giả trẻ. Năm nay, chương trình trở lại sau ba năm đứt quãng vì dịch.
Hà Thu